5 cấp độ tiết kiệm tiền: bí quyết để sống tự do tự tại

5 cấp độ tiết kiệm tiền theo Doctor Chu

5 cấp độ tiết kiệm tiền là bài chia sẻ tâm huyết của Doctor Chu dành cho học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ Việt Nam nói chung.

Bài chia sẻ này tập trung vào việc phát triển tư duy quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Bởi tác giả tin rằng: Cùng một hành động, tư duy ở cấp độ cao hơn thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Cấp độ 1. Không có tiền tiết kiệm

Cấp độ đầu tiên này là cấp độ dành cho hầu hết mọi người, đang còn xoay sở với cuộc sống mưu sinh trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Họ đi làm vì không biết ngày mai ra sao nếu không tiếp tục làm việc.

Cấp độ này cũng thể hiện năng lực tiết kiệm của mỗi người.

Những ai không được đào tạo về tài chính, không rèn luyện trí tuệ tài chính thông qua giữ kỷ luật bản thân trong việc quản lý tiền đều thuộc cấp độ này.

Bố mẹ tôi, gia đình nơi tôi sinh ra thuộc cấp độ này. Và tôi đã tiêu hiết những đồng lương ít ỏi mỗi tháng sau khi ra trường 2 năm đầu tiên.

Thời gian sinh viên thì tôi thường xuyên nợ bạn bè vì vay tiền giải quyết việc cá nhân mà chủ yếu là những hoạt động không thực sự cần thiết.

Việc tôi xoay sở sau khi tiêu hết số tiền phụ cấp hàng tháng mà Quân đội chu cấp cũng giống như hoàn cảnh của bố mẹ tôi xoay sở tiền để lo cho anh tôi ăn học mỗi tháng.

Học cách xoay sở để thay đổi cảnh nghèo

Nhưng tôi đã không dừng lại ở việc chấp nhận số phận …cháy túi hàng tháng. Tôi đã tìm tòi về học làm giàu, về quản lý tiền, kinh doanh và đầu tư.

Và tôi bắt đầu nhận thức được là mình cần phải là người thay đổi và tiết kiệm cần phải rèn luyện thành thói quen tốt trước hết.

Cấp độ 2. Tiết kiệm tiền rồi tiêu xài.

Từ năm 2015 tôi bắt đầu để dành được tiền tiết kiệm.

Lý do không phải là năng lực tự giác của bản thân mà là tôi được một người cô công tác cùng cơ quan thúc đẩy việc phải tiết kiệm tối thiểu 2 triệu/tháng.

Con gái cô làm việc tại ngân hàng OCB.

Và cô đã giục mở giúp tôi một tài khoản ngân hàng chuyên dùng để gửi tiền tiết kiệm.

Và với sự giám sát của em gái nên tôi cần có kỷ luật bản thân để không tuỳ tiện rút tiền ra tiêu xài được.

Tiết kiệm để mua xe

Sau khoảng hơn 1 năm thì số tiền tiết kiệm trong tài khoản tăng lên hơn 20 triệu. Và tôi cảm thấy rất phấn chấn. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình có tiền như vậy.

Suy nghĩ của tôi lúc ấy là tôi cần phải làm gì với số tiền này.

Suy nghĩ đến chiếc xe máy cũ do tôi mượn của anh trai để đi làm, có lúc tậm tịt phải rong bộ bở hơi tai dưới trời nóng lên dốc của khu tập thể bệnh viện, tôi tìm ra được lý do chính đáng để xử lý số tiền này.

Vậy là tôi đã quyết định mua xe Honda mới bằng số tiền tiết kiệm hơn 1 năm lao động. Tôi liên hệ với người chú ruột của mình sinh năm 1983 để ra Honda Bắc Ninh mua chiếc Future đời mới nhất, cao nhất lúc ấy (2015).

Sau quyết định “sáng suốt” ấy thì tôi tiêu sạch số tiền tiết kiệm hơn 1 năm và nợ thêm 8 triệu của một đồng nghiệp – mượn cho đủ tiền mua xe.

Như vậy, vào thời điểm này năm 2015, tôi không làm chủ được tư duy tiết kiệm và đang ở mức độ tiết kiệm để tiêu xài.

Tiết kiệm để xây nhà

Bây giờ nhìn ra xung quanh, tôi nhận thấy nhiều người, nhiều gia đình tiết kiệm để tiêu xài rất phổ biến. Họ có thể mua những thứ xa xỉ hơn như ô tô, nội thất đắt tiền, hàng hiệu, xây nhà to hơn…sau nhiều năm lao động cật lực và tiết kiệm.

Đặc biệt, nhìn những nhà có người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Sau 3 năm con em, vợ / chồng đi lao động vất vả khổ sở ở xứ người về. Họ dồn hết vốn liếng vào cái nhà.

Và tay trắng lại trở về trắng tay. Họ hết sạch tiền, thậm chí, nợ thêm vì cố gắng “cả đời mới xây nhà một lần nên cố”. Tiếp theo, họ tiếp tục cày cuốc đến cuối đời để trả nợ nhà.

Cuộc sống cứ xoay sở theo dòng đời, lo toan mưu sinh cả cuộc đời như vậy thì không có thời giờ để dành cho chính mình.

Ý nghĩa cuộc đời ở đâu ?

Hạnh phúc gia đình rẽ ra sao khi người bạn đời của mình lặn lội nơi xứ người ?

Cấp độ 3. Tiết kiệm để tiết kiệm.

Người có ý thức tiết kiệm dài hạn trong số đông dân số không được đào tạo về tài chính sẽ dừng lại ở cấp độ này.

Cả cuộc đời họ lao động và dành dụm từng ít một.

Với tư duy tích tiểu thành đại, họ tích cóp vào sổ tiết kiệm lập tại ngân hàng hoặc cất két dưới dạng vàng và tiền mặt.

Họ cũng sống giản dị, chắt bóp cả đời để tiết kiệm tiền.

Rồi đến một ngày, rủi ro cấp bách ập đến như bệnh tật…số tiền tiết kiệm cả đời cũng đội nón ra đi.

Hoặc không có rủi ro và cả đời sống tằn tiện.

Những người ở cấp độ này thường là những người chăm chỉ lao động cả đời.

Họ hiếm khi vui chơi. Những thứ đồ đắt tiền là xa xỉ với họ, họ thích nhưng hiếm khi dám mua.

Gửi tiền tiết kiệm dài hạn tại ngân hàng có đảm bảo an toàn ?

Họ cảm thấy an toàn với sổ tiết kiệm tại ngân hàng.

Đến một ngày, họ ra rút tiền tiết kiệm và không hiểu tại sao bao nhiêu tiền tích cóp bấy lâu nay bốc hơi đâu hết.

Số tiền thực lĩnh không có nhiều giá trị quy đổi như họ vẫn tưởng.

Thực tế lạm phát như con mối gặm nhấm dần số tiền tiết kiệm mà họ không hề hay biết.

Doctor Chu cũng tin rằng việc gửi tiền tiết kiệm vào tài khoản ngân hàng khá an toàn và luôn dành 10% lợi nhuận/tháng cho việc tiết kiệm dài hạn.

Tôi cũng đảm bảo mình phải đổ đầy 3 quỹ tiền mặt hoặc dưới dạng tài khoản để sẵn sàng sử dụng ngay khi cần thiết:

  • Tài khoản dự phòng việc khẩn cấp.
  • Tài khoản tiết kiệm dài hạn.

Việc nhân viên ngân hàng sử dụng thủ thuật tinh vi để chiếm đoạt tiền tiết kiệm của khách hàng là hi hữu nhưng không phải không thể xảy ra.

Gần đây, vụ Vạn Thịnh Phát đã làm thức tỉnh những người tin tưởng vào việc gửi tiền vào ngân hàng là an toàn tuyệt đối.

Vậy chúng ta cần phải quản lý tiền như thế nào để an toàn và sinh lợi nhuận trong tương lai ?

Một câu hỏi đắt giá, mời bạn tiếp tục phần tiếp theo.

Cấp độ 4. Tiết kiệm tiền vốn để kinh doanh.

Tích lũy tiền tiết kiệm một thời gian và xác định để số tiền đó làm vốn kinh doanh thể hiện tư duy cao hơn trong quản lý tiền bạc.

Doctor Chu tiết kiệm 10% lợi nhuận/tháng dùng làm vốn kinh doanh, quay vòng vốn.

Số vốn dùng để kinh doanh có thể sản sinh lợi nhuận hoặc có thể mất trắng.

Lợi nhuận và rủi ro là 2 mặt của việc sử dụng đồng vốn.

Việc của chúng ta là làm như thế nào để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu tốt nhất rủi ro ?

Nguyên lý khởi nghiệp kinh doanh an toàn nhất

Một trong những cách phát triển an toàn nhất là việc phát triển từ bên trong.

Hãy quan sát các sinh vật sống trên trái đất của chúng ta, chúng phát triển từ bên trong. Mầm sống nảy ra từ bên trong hạt giống, chứ không phải từ bên ngoài.

Hãy quan sát quả trứng. Mầm sống nảy nở từ bên trong. Sinh mạng mới được sinh ra từ bên trong. Lực tác động từ bên ngoài có thể làm quả trứng vỡ và sự sống kết thúc.

Từ nguyên lý phát triển của tự nhiên đó, Doctor Chu tin tưởng việc phát triển cá nhân từ bên trong thông qua học hỏi là cách tốt nhất để sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Nếu bạn muốn mở một cửa hàng tạp hóa thì hãy dành thời gian làm thuê cho một cửa hàng tạp hóa trong thời gian đủ dài để tích lũy mọi kinh nghiệm, kỹ năng, mối quan hệ để có thể làm chủ.

Bạn muốn mở nhà thuốc, phòng khám chuyên khoa hay thành lập công ty trong một lĩnh vực nhất định thì quá trình học hỏi, phát triển cá nhân cũng tương tự như vậy.

Việc đốt cháy giai đoạn: nhảy từ làm thuê sang làm chủ ngay lập tức sẽ khiến bạn phải trả giá bằng tiền tiết kiệm bao nhiêu năm bị đốt cháy và gánh thêm một khoản nợ kếch xù.

Như vậy, đọc đến đây, độc giả biết rằng: Doctor Chu đề nghị với bạn 2 chiến thuật song hành để quản lý vốn hiệu quả dù bạn có ý tưởng kinh doanh xuất sắc như thế nào chăng nữa:

Chiến thuật thứ nhất. Tiết kiệm vốn để kinh doanh một cách dài hạn. Hãy tiếp tục làm thuê và tiết kiệm.

Chiến thuật thứ hai. Hãy học hỏi tối đa mọi kỹ năng, kinh nghiệm, mối quan hệ cần thiết trước khi bạn bứt phá ra làm chủ. 

Cấp độ 5. Tiết kiệm tiền để đầu tư.

Tiết kiệm để đầu tư là cấp độ tiết kiệm cao nhất của mỗi cá nhân. Doctor Chu luôn tiết kiệm 10%/tháng dành cho vốn đầu tư.

Việc đầu tư vào các tài sản có tính bền vững cao như bất động sản giúp cho cá nhân không chuyên đảm bảo lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. 

Chỉ cần bạn có một nhà cố vấn đầu tư lĩnh vực bất động sản thì bạn sẽ tránh được nhiều rủi ro mất tiền tỷ khi đầu tư.

Mỗi lĩnh vực có những cạm bẫy khác nhau. Chỉ những người dày dặn kinh nghiệm mới có thể dẫn dắt bạn đi qua khu rừng đầy những cạm bẫy ấy một cách an toàn và thu được quả ngọt.

Lĩnh vực đầu tư rất rộng lớn nên việc một cá nhân quá tham vọng sẽ sớm gặt phải thất bại thảm hại.

Làm gì cũng vậy, bí mật lớn nhất là sự tập trung cao độ vào một việc đang làm, một ngách đang làm, một lĩnh vực, một chuyên môn. 

Cổ nhân có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mang ý nghĩa về sự tập trung như vậy.

3 loại tài sản để đầu tư:

  • Bất động sản
  • Chứng khoán
  • Doanh nghiệp

Bạn muốn đầu tư tài sản nào thì cần đi sâu vào tìm hiểu thật kỹ trước.

Trong bất động sản cũng có nhiều mô hình đầu tư. 

Bản thân tôi chọn mô hình đầu tư đất nền và nhà phố cho thuê kinh doanh.

Việc lựa chọn tài sản đầu tư, mô hình đầu tư là việc của mỗi cá nhân. 

Không có mô hình nào tốt hơn mô hình nào.

Chỉ có hiểu biết nhà đầu tư là rủi ro hay lợi nhuận.

Chúc bạn thành công !

Bài viết tiếp theo: Bí quyết tiết kiệm tiền ai cũng nên biết

Tác giả bài viết: Doctor Chu,

The Power Of Passion.

Nhật ký ngày 22/4/2024,

Khu Tiên Xá, phường Hạp Lĩnh, TP. Bắc Ninh, Việt Nam.

Kết bạn với Doctor Chu qua các kênh:

Blog: trieuphubatdongsan.com

Doctor Chu

Doctor Chu Real Estate Group

Youtube: Doctor Chu Investment . Bất động sản triệu đô

Leave Comments

0968850088
0968850088