Tiết kiệm tiền lương hàng tháng như thế nào là hợp lý ?

Tiết kiệm tiền lương, câu chuyện chữa viêm màng túi của Doctor Chu

Tiết kiệm tiền lương, một khái niệm xa lạ với tôi khi ra trường được khoảng 2 năm. Thú thực lúc đó (năm 2013), tôi nhận được bao nhiêu tiền lương thưởng hàng tháng là tiêu hết sạch bằng ấy.

Tôi  không hề có ý niệm gì về việc tiết kiệm tiền.

Đến khi tôi gặp 2 nhân vật “có điều kiện” để hỏi mượn tiền và “được lên lớp” về tiết kiệm và tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện của chính mình.

Nhân vật đầu tiên thúc đẩy tôi cần tiết kiệm tiền lương

Đầu tiên là ông anh họ làm nghề kinh doanh sơn, đang giữ chức trưởng phòng kinh doanh, có nhà (bố mẹ anh ấy xây) và có xe ô tô. Một vợ hai con và luôn sẵn lòng cho mình vay tiền khi lý do đủ chính đáng.

Mình nhớ như in, anh ấy hỏi: Lương một tháng của em được bao nhiêu ?

Dạ, 7 triệu (năm 2014).

Vậy mỗi tháng để dành được bao nhiêu ?

Em chả để được đồng nào, tôi ngại ngùng trả lời.

Mày tiêu đéo gì mà lắm thế ? !

Mình chỉ biết im lặng. Xin lỗi bạn, mình giữ nguyên văn câu anh ấy nói.

Và rồi bài học bắt đầu:

Chưa vợ con mà tiêu hết lương. Thế mày tiêu những gì ?

Dạ, thì em ăn uống hết khoảng 2 triệu/tháng. Còn nhà ở thì em không mất tiền vì ở nhà tập thể của Bệnh viện. Điện, nước thì không đáng kể. Còn em thấy chủ yếu em tiêu tiền những hôm trực, anh em trực cùng rủ ăn nhậu.

Bạn bè đéo gì lắm thế ? ! Mấy thằng ấy có giúp được gì mày không ? Giao lưu phải chắt lọc chứ !

Vâng.

Thế giờ mày cần bao nhiêu ?

Dạ, anh chị cho em mượn 20 triệu. Em để …(xin lỗi bạn mình không tiện kể lý do ra ở đây).

Ừ, việc cũng chính đáng. Để tao bảo chị mày đưa cho. Nay ở đây ăn cơm nhé.

Khi viết ra dòng này, mình vẫn thầm cảm ơn anh mình, những con người thẳng thật và tốt bụng như vậy.

Có thể lời nói thô lỗ một chút nhưng biết quan tâm đúng lúc, đúng việc và luôn là đàn anh trong lòng tôi.

Giờ đây, khi tôi trưởng thành hơn, tôi nhận thấy, anh mình hoàn toàn đúng.

Đủ quan tâm, đủ yêu thương, đủ thẳng thắn dành cho tôi.

Và có những “cú tát thẳng vào mặt” như vậy thì tôi mới tỉnh ngộ và bắt đầu có sự thay đổi.

Nhân vật số 2 đã giúp tôi tiết kiệm tiền lương thành công

Tôi muốn kể với bạn đó là một người cô đặc biệt, công tác cùng khoa tại Bệnh viện.

Cô ấy từ khoa xét nghiệm chuyển về khoa mình công tác một thời gian.

Do tuổi, can, chi, mệnh hay gì đó mà cô cháu chẳng may lại “hợp tính nhau”.

Cô đang có một cô con gái xinh đẹp, giỏi giang và đang làm ngân hàng ở Hà Nội.

Cô lại hỏi: Mỗi tháng tiết kiệm được bao nhiêu tiền ?

Con không tiết kiệm được đồng nào cô ạ.

Ô, cô ngạc nhiên nhìn tôi.

Thế tiêu những gì mà lắm thế ?

Dạ, tiền ăn của con khoảng 2 triệu/tháng, cho em tiền ăn học đại học khoảng 2 triệu/tháng, còn lại chủ yếu là ăn nhậu trong kíp trực cô ạ.

Mấy ông ấy có điều kiện, mày khác. 

Chưa có điều kiện, đừng có giao du với mấy ông ấy nhiều. Họ chỉ lợi dụng mày thôi chứ không thật đâu !

Một chút trầm ngâm, tôi cảm thấy hơi sốc trước câu nói của cô.

Bây giờ, tao bảo con Hà lập cho một tài khoản tiết kiệm. Mỗi tháng gửi 2 triệu vào, nhận lương gửi luôn. Số còn lại tiêu gì thì tiêu !

Vâng, thế là tôi không kháng cự gì nữa, để mặc cô quyết định giúp tôi.

Và 12 tháng liên tục, tôi tiết kiệm được 24 triệu đồng (năm 2015).

Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi có tài khoản tiết kiệm và tiết kiệm được 12 tháng “đủ tồn tại” nếu chẳng may thất nghiệp.

Ban đầu, tôi cảm thấy hơi bị gượng ép.

Sau vài tháng, tôi thấy quen dần.

Khi được hơn 12 tháng, tôi cảm thấy an tâm khi có tài khoản tiết kiệm dự phòng.

Giờ thì cảm thấy thích thú với ý tưởng, tiết kiệm ngay khi nhận được tiền lương.

Việc tiết kiệm dài hạn đã trở thành một thói quen tốt và hoàn toàn tự nhiên.

Và giờ, tôi muốn chia sẻ với bạn kinh nghiệm tiết kiệm ấy dành cho bạn trẻ mới đi làm, học sinh, sinh viên.

Đến bây giờ (năm 2024), tôi đã sở hữu nhà riêng, sở hữu 3 lô đất nền khác và tiền mặt hơn 800 triệu đồng. Tôi vẫn áp dụng cách làm ấy của cô đã dạy tôi: “Tiết kiệm ngay khi mới có lương, thưởng, thu nhập”.

Tiết kiệm bao nhiêu % tiền lương là hợp lý ?

Năm 2015, lương của tôi là 7 triệu/tháng và tiết kiệm được 2 triệu/tháng theo “sự chỉ đạo” của cô.

Như vậy, tôi đã vô tình tiết kiệm được 28,6% thu nhập. Một con số đáng kinh ngạc, dù ở thời điểm hiện tại !

Sau đó, tôi bắt đầu học về tiền.

Tôi tìm đọc một vài cuốn sách liên quan tới chủ đề tài chính, làm giàu như:

  • Dạy con làm giàu của vợ chồng tác giả Robert Kyiosaki.
  • Nghệ thuật quản lý tài chính cá nhân của Brian Tracy.
  • 21 nguyên tắc tự do tài chính, Brian Tracy.
  • Nghĩ giàu, làm giàu, Napoleon Hill.
  • Thịnh vượng tài chính trước tuổi 30 của Go Deuk Seong, Jeong Seong Jin, Choi Pyong Hee.
  • Bí quyết tiêu tiền của Larry Windget.
  • Tư duy triệu phú của T. Harv Eker.
  • Người giàu nhất thành Babylons của George S. Clason.
  • 7 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc của Jim Rohn.
  • Tiền làm chủ cuộc chơi, Tony Robbins.
  • Công thức quản lý tiền của Lý Gia Thành khuyên các bạn trẻ.

Trong số các cuốn sách trên, tôi ấn tượng mạnh với 3 cuốn sách “Người giàu nhất thành Babylons” của George S. Clason, “7 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc” của Jim Rohn và cuốn “Nghĩ giàu, Làm giàu” của Napoleon Hill.

3 cuốn sách đều chỉ ra: Tiết kiệm tối thiểu là 10% tiền thu nhập hàng tháng.

Và giá trị cơ hội của việc có tài khoản tiết kiệm dài hạn.

Jim Rohn còn đòi hỏi nỗ lực hơn nữa, đó là tuân thủ công thức quản lý tiền: 10/10/10/70:

+ 10% đầu tiên là tiền từ thiện.

+ 10% tiếp theo là vốn chủ động, dùng để kinh doanh.

+ 10% tiếp theo là vốn thụ động, dùng để đầu tư.

+ 70% còn lại là để chi tiêu, bao gồm tiền ăn, ở, đi lại, học phí, xây dựng mối quan hệ, hưởng thụ cuộc sống.

Tôi nhận thấy, công thức của Jim Rohn là phù hợp với mình nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Và bắt đầu hành động.

Cách thức tiết kiệm tiền lương như thế nào ?

Ban đầu, tôi lập 4 tài khoản ngân hàng để làm 4 tài khoản riêng.

Về sau, tôi nhận thấy việc làm như vậy là lãng phí, chi phí quản lý thẻ.

Bây giờ, tôi làm như sau:

  • Tiền sinh hoạt (70%) bỏ vào hộp tiền ở nhà.
  • 10% để đầu tư, gửi vào tiết kiệm dài hạn ở một ngân hàng và đầu tư chứng khoán giá trị dài hạn.
  • 10% vốn để kinh doanh, gửi vào một tài khoản ngân hàng khác.
  • 10% từ thiện, tôi dành để hỗ trợ hoàn cảnh đặc biệt trên mục Nhân Ái / Báo điện tử Dân Trí và hỗ trợ bố mẹ hai bên.
  • Thu nhập phát sinh trong tháng để vào hộp riêng ở nhà và chốt cuối tuần hoặc cuối tháng. Sau khi trừ chi phí, tính ra lợi nhuận thì chia vào các tài khoản trên theo đúng tỷ lệ.

Trên đây, chỉ là kinh nghiệm của cá nhân. Mỗi người có cách làm khác nhau.

Hi vọng bài viết này nhận được những lời góp ý quý giá từ bạn.

Nếu bạn góp ý, hãy bình luận dưới bài viết này. Tôi sẽ lắng nghe và trả lời từng bạn.

Xin chân thành cảm ơn,

Cuối cùng, tôi thành tâm chúc bạn thành công !

Tác giả bài viết: Doctor Chu,

The Power Of Passion.

Nhật ký ngày 31/10/2024,

Khu đô thị Rùa Vàng, Thị trấn Vôi, Lạng Giang, Bắc Giang, Việt Nam.

Kết bạn với Doctor Chu qua các kênh:

Blog: trieuphubatdongsan.com

Doctor Chu

Bất động sản Bắc Giang

Doctor Chu Real Estate Group

Youtube: Doctor Chu Investment . Bất động sản triệu đô

Leave Comments

0968850088
0968850088