Quản lý tiền và sử dụng tiền kiếm được như thế nào ?

Quản lý tiền – đừng để tiền của bạn rơi !

Quản lý tiền, một khái niệm có thể xa lạ với những ai chưa từng có thói quen tiết kiệm tiền, chưa từng làm một công việc kinh doanh và chưa từng đầu tư một thương vụ nào.

Nhiều người, sống trôi dạt theo dòng đời bất định và luôn để tiền rơi.

Thức dậy buổi sáng với năng lượng uể oải, vội vàng đến cơ quan, công ty làm việc. Chán nán với công việc chất đống chưa giải quyết xong.

Chiều muộn về nhà, nằm xem điện thoại, hết tin này tới tin khác, hết mạng xã hội này đến mạng xã hội khác.

Ăn qua loa buổi tối và tiếp tục…lướt điện thoại đến khuya muộn. Ngủ lúc nào không biết trong tình trạng kiệt quệ năng lượng.

Mô tả trên có quen thuộc với hình ảnh các bạn trẻ bạn thấy hiện nay ?

Áp lực tăng và tiền trong ví giảm dần đều theo thời gian

Họ cứ tiếp tục công việc và không quên hỏi tại sao mình bù đầu công việc mà sao thu nhập không tăng ?

Chưa hết tháng đã hết tiền lương. Trong ví thì có lúc chẳng còn có được xu nào.

Họ vay tiền để chi tiêu. Và tiếp tục làm việc để trả nợ dần và tiêu xài.

Đến cuối năm, họ nợ nhiều hơn đầu năm.

Áp lực tăng và công việc vẫn …ổn định.

Họ muốn thoát ra khỏi mà không thể…

ĐÃ ĐẾN LÚC DỪNG LẠI !

Hãy dừng lại, ngồi thiền và suy ngẫm.

Hãy tự hỏi và trả lời các câu hỏi sau:

Tại sao tôi lâm vào hoàn cảnh này  ?

Tôi làm việc vất vả vì điều gì ?

Ước mơ của tôi là gì ?

Tôi còn đang theo đuổi nó không ?

Công việc hiện tại có giúp tôi đạt được ước mơ của mình không ?

Tôi có cách nào khác đúng đắn để đạt được ước mơ hiệu quả hơn không ?

Kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa đã được lập chưa ?

Tôi sẽ làm gì (hành động) để thực hiện bước 1, 2… trong kế hoạch ?

Nếu bạn đã đọc đến đây thì tôi có thể nói rằng: Bạn có đầy đủ khát vọng để thành công một cách xuất chúng trong lĩnh vực của bạn !

Và bây giờ để tôi chia sẻ với bạn đôi điều về kinh nghiệm của bản thân về lĩnh vực phát triển bản thân trong quản lý tiền và sử dụng tiền, ý nghĩa của việc này với thành công như thế nào.

Nguồn gốc tư duy quản lý tiền bạc của Doctor Chu

Xuất thân từ gia đình có bố mẹ làm nông dân, không được dạy về tài chính.

Do cuộc sống của gia đình khó khăn, chứng kiến bố mẹ liên tục phải xoay sở tiền bạc để cho 4 anh em tôi ăn học nên tôi có động lực tìm tòi học hỏi về tiền. 

Từ khi là sinh viên năm thứ 2 tại Học viện Quân y, tôi có tìm hiểu và đọc được một số cuốn sách dạy về chủ đề tiền bạc như Bí mật tư duy triệu phú của T. Harv Eker, Dạy con làm giàu của Robert Kiyosaki, 7 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc của Jim Rohn và Người giàu nhất thành Babylons của George Samuel Clason.

Tôi cũng đọc cách quản lý tiền bạc do tỷ phú Lý Gia Thành chia sẻ cho bạn trẻ.

Trong những lời chia sẻ ấy, tôi nhận thấy 2 cuốn sách ý nghĩa, sâu sắc nhất là 7 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc của Jim Rohn và Người giàu nhất thành Babylons của George Samuel Clason.

Và tôi bắt đầu áp dụng tư duy quản lý tiền bạc nhưng quá trình ấy không dễ dàng.

Thời gian là sinh viên thì làm gì có tiền mà quản lý.

Khoảng cách giữa tư duy và thói quen quản lý tiền bạc của Doctor Chu

Khi ra trường năm đầu tiên, tôi cũng tiêu hết số tiền lương vào những chi phí như lo cho em trai học cao đẳng, tiền sinh hoạt và ăn nhậu. Thời gian này, tôi không hề tiết kiệm được đồng nào dù còn một chút ý thức phải tiết kiệm.

Tôi nhận thấy giữa kiến thức, tư duy về tiết kiệm tiền tới thói quen tiết kiệm tiền là một khoảng cách rất xa. Tôi mất tới 10 năm sau khi ra trường + 5 năm đại học = 15 năm để rèn luyện, thay đổi và tiếp tục thay đổi “cách quản lý tiền bạc đã ăn vào máu của tôi”.

Khoảng cách ấy được “quản lý” bởi thói quen đã ẩn mình sâu trong tiềm thức của mỗi người.

Tôi hiểu rằng để quản lý tiền tốt, điều đầu tiên tôi cần thay đổi là thay đổi tiềm thức tài chính bằng cách áp dụng tự kỷ ám thị.

Thông qua ngôn ngữ tích cực và rõ ràng về việc quản lý tiền để thay đổi gốc rễ của thói quen, đó là tiềm thức quản lý tiền của tôi.

Và việc tiếp theo là thực hành việc quản lý tiền, lặp lại cho đến khi thành công !

Doctor Chu đã thực hành việc quản lý tiền như thế nào ?

Như tôi đã chia sẻ, tôi nhận thấy phương pháp phân bổ đồng tiền kiếm được theo cách của Akard (nhân vật trong cuốn Người giàu nhất thành Babylons) và của Jim Rohn trong cuốn 7 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc.

Thời gian đầu vào năm 2014-2015, Doctor Chu phân bổ vốn như sau:

  • 30% lương, thưởng tại Bệnh viện vào việc tiết kiệm dài hạn. Mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng.
  • 70% còn lại dùng cho mọi chi tiêu trong tháng. Trong đó có 30% là hỗ trợ em trai học cao đẳng nên tôi chỉ còn 40% để tiêu dùng. Do chưa lấy vợ nên với tôi khoản tiền này cũng đủ.

Sau khoảng một năm rưỡi, tôi tiết kiệm được hơn 30 triệu.

Và Doctor Chu đã làm gì với số tiền tiết kiệm này ?

Lúc đó, tôi đã nghĩ đến việc đổi xe máy. Và tôi đã cùng người chú ruột của mình ra Honda Bắc Ninh xem và mua chiếc Honda Future đời mới nhất !

Như vậy, số tiền hơn một năm tiết kiệm của tôi đã được đưa cho người khác !

Đến nay (2024), chiếc xe vẫn còn dùng tốt. Nhưng về mặt tài chính, tôi nhận ra mình đã sai lầm ở cấp độ tư duy tiết kiệm.

Vậy tiết kiệm để làm gì ?

Mời bạn đọc bài viết tiếp theo: 5 cấp độ tiết kiệm tiền !

Tác giả bài viết: Doctor Chu,

The Power Of Passion.

Nhật ký ngày 21/4/2024,

Khu Tiên Xá, phường Hạp Lĩnh, TP. Bắc Ninh, Việt Nam.

Kết bạn với Doctor Chu qua các kênh:

Website: trieuphubatdongsan.com

Doctor Chu

Y Khoa Trực Tuyến

Doctor Chu Clinic

Nhà Thuốc Tuệ Nhân

Doctor Chu Group

Doctor Chu Real Estate Group

Doctor Chu Books Store

Youtube: Doctor Chu Investment . Bất động sản triệu đô

 

Leave Comments

0968850088
0968850088